LEE CORNER

Các bước chuẩn bị để may chăn ghép thủ công (phần cuối)

Thứ Năm, 16/03/2023
Lee Corner

Ráp thành tấm chăn ghép vải hoàn chỉnh

1. Cắt phần vải còn lại

Khi mặt trước của chăn ghép vải đã hoàn thành, bạn cần cắt cả tấm bông chần chăn và mặt sau chăn. Những tấm này nên lớn hơn mặt trước của chăn một chút để kéo căng các mảnh vải trong quá trình may. Đo và cắt tấm bông chần và mặt sau của chăn ghép vải với kích thước lớn hơn mặt trước khoảng 5-7,5 cm.

2. Gắn cố định các lớp vải

Đây là quá trình trải các lớp vải chồng lên nhau và ghim cố định trước khi may. Trải các lớp vật liệu theo thứ tự – mặt sau của chăn ghép vải ở dưới cùng (mặt phải úp xuống), tiếp theo là lớp bông chần, sau đó là mặt trước chăn ghép vải (mặt phải ở trên). Xếp thẳng hàng tất cả các cạnh và vuốt phẳng.

Dùng keo xịt dán định vị hoặc dùng kim băng.

3. May các lớp vải với nhau

Bắt đầu may từ giữa chăn ghép vải ra ngoài để đẩy các phần vải thừa ra ngoài mép vải thay vì đẩy vào giữa. May vào bên trong hoặc gần đường nối các mảnh vải nhỏ đã may trước đó.

Nếu muốn đảm bảo may đúng chỗ, bạn có thể dùng bút vẽ vải giặt được để đánh dấu chính xác vị trí muốn may.

Càng có nhiều đường may trên mặt chăn ghép vải thì sản phẩm của bạn trông càng chỉn chu, giúp lớp bông chần ở giữa không bị xê dịch hoặc bị dúm lại bên trong chăn ghép vải.

4. Cắt vải viền chăn ghép vải

Vải viền chăn sẽ viền xung quanh chăn để bảo vệ các đường may và giúp cho chiếc chăn ghép vải trông chỉn chu hơn. Cắt các dải vải (có thể bạn cần nối vài dải với nhau) có chiều ngang 7cm và đủ dài để viền hết chu vi chăn. Nối các mảnh với nhau sao cho bạn có 4 mảnh vải có độ dài bằng với 4 cạnh chăn ghép vải.

5. Là vải viền chăn ghép vải

Nếu đã nối nhiều mảnh vải thành một mảnh dài, lúc này bạn cần là phẳng các đường may nối, sau đó gấp đôi dải vải theo chiều dọc và là ép xuống để tạo một đường nếp ở giữa mảnh vải viền.

6. Ghim cố định vải viền

Trải vải viền lên trên chăn, úp mặt phải xuống. Xếp vải viền sao cho các cạnh thẳng hàng và mặt phải của vải viền chăn úp vào mặt chăn (mặt trái của vải viền ngửa lên). Dùng nhiều kim băng để ghim cố định.

7. May viền mặt trước của chăn ghép vải

May dọc theo cạnh chăn và viền chăn, cách mép vải 1cm. May cả hai cạnh đối diện của chăn để có hai mảnh viền dính trên chăn. Sau đó bạn hãy lật mảnh vải viền ra ngoài sao cho mặt phải viền chăn nằm bên trên.

8. May tiếp phần viền còn lại

Đặt hai mảnh vải viền còn lại dọc theo hai cạnh còn hở của chăn. Thao tác tương tự như hai đường viền vừa may trước đó để may dọc theo cạnh chăn, cách mép vải 1 cm, sau đó lật mảnh vải viền ra ngoài, để lộ mặt phải bên trên.

9. Gấp viền chăn ghép vải

Lật mặt sau của chăn lên. Các cạnh của viền chăn sẽ dựng lên xung quanh chu vi chiếc chăn. Bắt đầu từ một cạnh, gấp mép vải viền sao cho trùng với mép chăn. Sau đó bạn sẽ gấp phần còn lại của vải viền chồng lên mặt sau của chăn. Bạn có thể là mảnh vải viền để tạo nếp, sau đó ghim nhiều kim băng để giữ cố định. Thực hiện như vậy trên tất cả các cạnh chăn.

10. Hoàn tất phần viền chăn

May viền chăn ở mặt sau khá khó, vì các mũi may sẽ hiện lên ở mặt trước. Do vậy, bạn có hai lựa chọn để hạn chế các đường may nhìn thấy được: dùng chỉ tàng hình để may đường viền, hoặc khâu tay bằng mũi khâu vắt, tránh xuyên qua cả ba lớp vải chăn. May xung quanh viền chăn, đảm bảo các góc chăn phải vuông và các mũi khâu phải đều nhau.

Lời khuyên

Để may viền chăn dễ hơn: Cắt mặt sau của chăn rộng hơn 5cm so với mặt trước. Gấp qua mặt trước, sau đó gấp xuống khoảng 2,5 cm và ghim lại. Thực hiện ở hai cạnh dài trước. May mặt trên bằng mũi khâu trang trí. Tiếp tục gấp và khâu hai cạnh còn lại, nhớ gấp các góc vuông.

Nếu thích dùng vải co giãn (chẳng hạn như áo thun cũ), bạn có thể mua một sản phẩm để là lên mặt vải giúp cho vải khỏi giãn. Đừng cố gắng may chăn bằng vải co giãn.


Khi giặt chăn, bạn có thể dùng một sản phẩm gọi là chất hút màu để hút màu nhuộm thôi ra từ vải. Như vậy màu từ phần vải này không lem sang các phần vải khác.

Bạn nên tập may chăn nhỏ trước khi chuyển sang chăn to.

Muslin là một lựa chọn tốt để làm vải lót. Loại vải này có khổ rộng hơn, vì vậy bạn không cần nối vải. Vì là sợi cotton, muslin cũng dễ nhuộm màu hợp với màu chăn.
Sử dụng chân vịt máy may để các đường may được đẹp và không làm gãy kim.

Một mẹo khi khâu chăn bằng tay là giấu nút thắt trong lớp bông chần. Khi khâu hết chỉ hoặc hết một phần chăn, bạn cần thắt nút sát mặt vải, sau đó kéo kim xuyên qua chăn lần nữa. Kéo mạnh khi sờ thấy nút thắt chạm đến bề mặt vải, và nút thắt sẽ “bật” vào trong vải. Sau đó bạn có thể cắt chỉ sát mặt vải mà không lo bị bung.

Nguồn: chuanshui.vn

Viết bình luận của bạn
icon icon icon icon